Trang chủ » Phân loại bệnh viêm tuyến giáp

Phân loại bệnh viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là hiện tượng viêm cấp hoặc mạn tính tại tuyến giáp do nhiều nguyên nhân khác nhau và thường gây thay đổi chức năng tuyến giáp. Chức năng tuyến giáp có thể chuyển sang tình trạng cường giáp, bình giáp hoặc suy giáp tùy theo từng giai đoạn bệnh.

Viêm tuyến giáp được chia làm 3 loại: Viêm tuyến giáp cấp tính, viêm tuyến giáp bán cấp tínhviêm tuyến giáp mạn tính. Để phân biệt các loại viêm tuyến giáp cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là tình trạng đau vùng cổ, tốc độ khởi phát bệnh, tiền sử gia đình và kết quả xét nghiệm sinh hóa.

1. Viêm tuyến giáp cấp tính

Viêm tuyến giáp cấp tính có triệu chứng sưng nóng và đau vùng cổ

Viêm tuyến giáp cấp tính (hay còn gọi là viêm tuyến giáp sinh mủ) thường do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra.
Triệu chứng thường gặp là:

  • Mệt mỏi, sốt cao 38-40 độ kèm theo ớn lạnh, rét run
  • Vùng cổ sưng nóng và đau, hướng lan về phía tai, xương hàm dưới, tự phát và tăng lên khi di động hoặc sờ nắn
  • Khó nuốt, khó thở, khó nói
  • Ho, chủ yếu là ho khan

Bệnh thường khỏi hoàn toàn không để lại di chứng nhưng có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều trị: Điều trị nội khoa cần dùng kháng sinh thích hợp đường tĩnh mạch, tốt nhất là dựa vào kháng sinh đồ. Nếu sau 1 tuần dùng kháng sinh tích cực nhưng chọc hút thấy có mủ thì cần phải rạch tháo mủ, dẫn lưu và sau 6-8 tuần tiến hành cắt bỏ thùy viêm.

2. Viêm tuyến giáp bán cấp tính

Viêm tuyến giáp bán cấp tính lại được chia làm 2 loại: Viêm tuyến giáp dạng u hạtviêm tuyến giáp lympho bào

a) Viêm tuyến giáp dạng u hạt

Nguyên nhân chưa được xác định rõ nhưng nhiều ý kiến cho rằng do virus, thường xuất hiện sau một đợt bị viêm hầu họng hoặc viêm đường hô hấp trên. Thời gian đầu, tuyến giáp bị phá hủy giải phóng ra nhiều nội tiết tố dự trữ, gây cường giáp tạm thời. Sau 1-2 tháng, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng suy giáp do tuyến giáp không còn khả năng sản xuất hormon, hơn nữa, lượng nội tiết tố dự trữ đã sử dụng hết. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị suy giáp vĩnh viễn.

Bệnh thường khởi phát với triệu chứng đau người, đau họng, sốt nhẹ. Sau đó sốt cao, đau vùng cổ. Tuyến giáp thường sưng to, sờ mềm, rất đau, thường bắt đầu từ một bên sau đó lan sang bên kia. Đau có thể lan lên tai, hạn chế vận động cổ kèm theo triệu chứng khó nuốt, khó thở.

Triệu chứng nhiễm độc giáp thường vừa hoặc nhẹ. Đa số người bệnh sẽ trở lại bình giáp sau vài tuần hoặc xuất hiện suy giáp nhẹ, thoáng qua.

Điều trị: Bệnh thường tự khỏi, chủ yếu là điều trị triệu chứng.
• Giảm đau: thường dùng NSAIDs, nếu không đáp ứng thì dùng glucocorticoid
• Giảm triệu chứng cường giáp: dùng nhóm chẹn β giao cảm
• Pha suy giáp: thường không cần điều trị vì suy giáp thường nhẹ và thoáng qua. Trường hợp suy giáp rõ cần điều trị bằng levothyroxine tới khi chức năng tuyến giáp trở về bình thường.

b) Viêm tuyến giáp lympho bào

Đây là dạng bệnh viêm tuyến giáp khá kì lạ, ngoài việc bướu đột ngột to ra thì người bệnh không hề thấy đau như các dạng viêm khác. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau sinh, chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn cường giáp: thường xuyên thấy hồi hộp, ăn nhiều nhưng không lên cân.
  • Giai đoạn bình giáp: tuyến giáp chắc lại, kéo dài trong gần 1 tháng.
  • Giai đoạn suy giáp: có thể có hoặc không, thường kéo dài khoảng 2-3 tháng
  • Giai đoạn hồi phục: Lúc này bệnh có xu hướng kết thúc nhanh, tuy nhiên đối với phụ nữ mới sinh bị viêm tuyến giáp rất dễ tái phát ở lần mang thai sau.

Điều trị:

  • • Giai đoạn cường giáp: Tập trung chỉ điều trị để giảm bớt biểu hiện cường giáp.
  • • Giai đoạn bình giáp: bác sĩ sẽ hạn chế cho thuốc trong thời gian này
  • • Giai đoạn nhược giáp: sử dụng levothyroxin
  • • Giai đoạn hồi phục: các chuyên gia y tế sẽ xem xét và đưa ra hướng điều trị tiếp.

3. Viêm tuyến giáp mạn tính

Viêm tuyến giáp mạn tính chia làm 2 loại: Viêm tuyến giáp HashimotoViêm xơ tuyến giáp mạn tính

a) Viêm tuyến giáp Hashimoto

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy giáp, xảy ra do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn và vi rút, nhưng trong bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, hệ miễn dịch lại sản sinh ra những kháng thể gây tổn thương và phá hủy nhu mô tuyến, dẫn đến ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp. Hậu quả là tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormon mà cơ thể cần, dẫn đến tình trạng suy giáp. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng giảm nhịp tim, giảm cung lượng tim và tốc độ tuần hoàn, giảm tạo máu và thân nhiệt giảm, mệt mỏi, tăng cân, da, tóc khô, khó tập trung,…

Đây là loại viêm giáp có tác động xấu nhất đến cơ thể. Bệnh lâu ngày có thể gây vấn đề về tim mạch, thần kinh và dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, bệnh này thường song hành với rối loạn mỡ máu. Các triệu chứng không điển hình, thường phát triển lặng lẽ cho đến giai đoạn suy giáp. Ban đầu rất khó nhận ra, khi bệnh đổ nặng, tuyến giáp sẽ to lên, chèn ép cổ, bệnh nhân sẽ bắt đầu thấy có vấn đề về trí nhớ. Sau đó là các biểu hiện ra bên ngoài như bướu to, mặt phù, giọng khàn. Người bệnh sẽ luôn thấy mệt mỏi, tăng cân liên tục và đau cơ. Nhiều bệnh nhân trở nên trầm cảm vì căn bệnh này.

Điều trị: Chủ yếu là sử dụng hormon thay thế trong 3-6 tháng, nếu bệnh kéo dài phải sử dụng lâu hơn.

b) Viêm xơ tuyến giáp mãn tính

Loại viêm giáp này rất hiếm gặp, hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân.
Triệu chứng: Bướu giáp đột nhiên xuất hiện, cứng như có khối, gây khó thở, khó nuốt. Bướu chắc, không di động.
Điều trị: Nhiều trường hợp bướu chèn quá lớn, cần phẫu thuật. Ngoài ra nếu suy giáp thì sử dụng hormon thay thế.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH

Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh u tuyến giáp, phương pháp điều trị đốt SÓNG CAO TẦN (RFA), đặt lịch khám và điều trị với bác sĩ NGUYỄN KHẮC HOÀNG, Anh/Chị vui lòng liên lạc theo số

Hotline: 0989 81 5757 – 088 888 7997 – 0983 287 671

hoặc để lại thông tin để bác sĩ hỗ trợ nhanh nhất!