Bướu cổ có thể mang thai được không và ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe thai nhi là điều mà rất nhiều người băn khoăn. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trường hợp nào an toàn và trường hợp nào cần thận trọng, cũng như những nguy hiểm mà bạn và em bé có thể gặp phải.
1. Bướu cổ đơn thuần vẫn có thể mang thai bình thường
Bướu cổ đơn thuần ngoài biểu hiện phì đại (phình) tuyến giáp có kèm theo nhân/nang hoặc không, thì chức năng hoạt động của tuyến giáp vẫn bình thường. Trong trường hợp này, chị em hoàn toàn có thể có thai và cũng không sợ ảnh hưởng gì đến thai nhi cả. Ngay cả ở những phụ nữ bình thường, khi có thai tuyến giáp cũng có thể phình to hơn, một số trường hợp có thể khám thấy có bướu. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai. Và đa số bướu giáp phát hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ là bướu cổ đơn thuần, không cần điều trị gì cả và cũng không ảnh hưởng gì tới thai nhi.
Tuy nhiên, bạn cũng nên siêu âm thai và tuyến giáp định kì để theo dõi sát sự phát triển của em bé, kiểm tra mức độ hoạt động của tuyến giáp. Không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
2. Bướu cổ cường giáp hay suy giáp đều đáng lo ngại
Bệnh bướu cổ do suy giáp hoặc cường giáp khi mang thai đều không có lợi cho cả mẹ và bé. Một số biến chứng có thể gặp phải cho thai nhi là: cường giáp/ suy giáp bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ sinh non, chậm phát triển trí tuệ, mắc các bệnh lý tự miễn,… Chính vì thế bệnh nhân cần tránh mang thai trong lúc đang bị bệnh. Nếu lỡ có thai trong khi bệnh chưa ổn định thì vẫn phải điều trị, nhưng bác sĩ sẽ phải điều chỉnh liều thuốc điều trị một cách thích hợp (giảm liều thuốc) và lựa chọn loại thuốc ít qua nhau thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Bạn nên đi khám thường xuyên để theo dõi tình trạng của cả mẹ và con. Không tự ý ngưng thuốc điều trị Basedow để mang thai mà không theo ý kiến bác sĩ, vì có thể gặp cường giáp kịch phát gây tử vong.
Theo khuyến cáo của đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân nên tránh hoàn toàn có thai trong thời gian 3 năm trở lên sau khi đã điều trị dứt điểm bệnh. Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho thai nhi và cũng là thời gian giúp người mẹ ổn định sinh lý cũng như ổn định chế độ dinh dưỡng trước đó.
3. Rối loạn tuyến giáp có gây khó khăn trong việc thụ thai?
Rối loạn tuyến giáp gây khó khăn trong việc thụ thai vì nó gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt và các chức năng khác trong bộ phận sinh dục. Cường giáp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả nam và nữ, là một trong số các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nhiều chị em. Đối với nữ giới, biểu hiện trên hệ sinh dục là rối loạn kinh nguyệt, dễ bị rong kinh, thời gian trứng rụng bị thay đổi. Đối với nam giới, cường giáp làm giảm cả số lượng và chất lượng tinh trùng.
Trong suy giáp, nồng độ hormone tuyến giáp trở nên thấp hơn, khiến chu kì kinh nguyệt dài hơn, thời gian rụng trứng ngắn lại và khó kiểm soát. Đồng thời, tình trạng rong kinh kéo dài dễ gây ra mất máu mạn tính khiến người bệnh dễ bị thiếu máu – đây cũng là một yếu tố nguy cơ làm giảm khả năng mang thai, tăng nguy cơ sảy thai. Hormone tuyến giáp thấp ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể, khiến chúng hoạt động bất thường. Đây là điều cực kỳ không tốt cho thai kì, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, khi mà cơ thể người mẹ cần phải thay đổi tích cực để thích ứng với sự phát triển của thai nhi.
4. Mang thai có làm tình trạng bệnh tuyến giáp tái phát hay không?
Đối với những người đã từng bị rối loạn chức năng tuyến giáp và điều trị khỏi rồi, quá trình mang thai khiến cho nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều, khiến bệnh dễ tái phát lại. Thông thường, hormone tuyến giáp sẽ tiết ra nhiều và mạnh mẽ nhất vào khoảng tháng thứ 4-5 của thai kỳ để hỗ trợ sự phát triển tuyến giáp của thai nhi. Do đó, sản phụ sẽ dễ bị cường giáp tái phát, thậm chí là cường giáp lần đầu trên những phụ nữ không có cường giáp trước đó.
Đối với suy giáp, do trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ có thể bị tình trạng rối loạn miễn dịch, tự sinh ra các kháng thể tấn công tuyến giáp của bản thân gây tái phát suy giáp do tự miễn. Ngoài ra, thai kỳ còn có thể làm khởi phát một số tình trạng suy giáp khác không do tự miễn. Nguyên nhân là do stress mãn tính, trầm cảm, không dung nạp thức ăn, và rối loạn đường huyết thai kỳ. Những tác nhân này sẽ gây áp lực lên tuyến yên- tuyến điều hòa chức năng tuyến giáp, sự tiết sữa và chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này, tuyến yên sẽ mất khả năng liên lạc với tuyến giáp, hậu quả là suy giáp xảy ra.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH
Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh u tuyến giáp, phương pháp điều trị đốt SÓNG CAO TẦN (RFA), đặt lịch khám và điều trị với bác sĩ NGUYỄN KHẮC HOÀNG, Anh/Chị vui lòng liên lạc theo số
Hotline: 0989 81 5757 – 088 888 7997 – 0983 287 671
hoặc để lại thông tin để bác sĩ hỗ trợ nhanh nhất!