Basedow là một bệnh cường giáp do tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn tới sản xuất hormon tuyến giáp nhiều hơn bình thường, gia tăng nồng độ hormon trong máu, gây nên các tổn hại về mô và chuyển hóa. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị cơ bản là: điều trị nội khoa, phẫu thuật và phóng xạ iod.
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là một phương pháp hữu hiệu để đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp và giúp các phương pháp điều trị khác đạt kết quả tốt hơn. Mục tiêu chủ yếu là làm giảm nồng độ hormon tuyến giáp.
Trong điều trị nội khoa, thuốc kháng giáp tổng hợp vẫn là loại thuốc căn bản hàng đầu, các thuốc khác chỉ có vai trò hỗ trợ. Thời gian điều trị thường khá dài, từ 6-18 tháng, thời gian điều trị càng lâu tỷ lệ tái phát càng thấp. Ðiều trị nội khoa đem lại một số ích lợi cho bệnh nhân như: ít biến chứng, không phải trải qua phẫu thuật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những điểm bất lợi như tỷ lệ tái phát cao, gặp tác dụng không mong muốn của thuốc kháng giáp tổng hợp khi dùng lâu dài và nhất là việc tồn tại của bướu giáp gây mất thẩm mỹ.
Một số tác dụng không mong muốn của thuốc kháng giáp tổng hợp:
- Dị ứng: vào ngày thứ 7-10 sau khi bắt đầu điều trị có thể có sốt nhẹ, mẩn đỏ ngoài da, đau khớp
- Giảm bạch cầu
- Rối loạn tiêu hóa: ít gặp và thường chỉ thoáng qua
Chống chỉ định dùng các thuốc kháng giáp tổng hợp trong các trường hợp:
- Bướu tuyến giáp lạc chỗ, đặc biệt là bướu giáp sau lồng ngực
- Nhiễm độc ở phụ nữ có thai hoặc cho con bú
- Suy gan, suy thận nặng
- Bệnh lí dạ dày-tá tràng
2. Phẫu thuật

Phẫu thuật trong điều trị Basedow thường là cắt gần như toàn bộ tuyến giáp, chỉ giữ lại một phần nhỏ để duy trì chức năng tạo hormon bình thường.
Phương pháp này thường được chỉ định trong 4 trường hợp:
- Những bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 3-6 tháng, nhưng nếu ngừng điều trị bệnh sẽ tái phát
- Bệnh nhân có bướu giáp to, chèn ép gây khó thở hoặc ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ.
- Bệnh nhân có bướu giáp thòng, không bị dị ứng với các loại thuốc dùng để chuẩn bị phẫu thuật và không trong tình trạng thai nghén.
- Những bệnh nhân tuy đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, nhưng cần phải phẫu thuật để tránh bệnh tái phát và vì những lý do khác như kinh tế, nghề nghiệp, xã hội và thẩm mỹ.
Một số nguy cơ có thể xảy ra khi phẫu thuật:
- Có một tỷ lệ sẽ trở nên suy giáp và cần phải điều trị bằng hormon giáp thay thế.
- Có một tỷ lệ nguy cơ bị cường giáp tái phát nếu còn chừa lại một phần lớn tuyến giáp không cắt bỏ.
- Có một tỷ lệ nguy cơ bị tổn thương các cấu trúc gần tuyến giáp, bao gồm các dây thần kinh thanh quản và tuyến cận giáp gây khàn tiếng, mất tiếng
- Nhiễm trùng vết mổ, hạ calci máu,…
Hiện nay, điều trị Basedow bằng phẫu thuật đang được nhiều bác sĩ và bệnh nhân chọn lựa vì giá thành khá rẻ so với các phương pháp điều trị khác, giải quyết nhanh tình trạng bệnh cho bệnh nhân và nhất là giải quyết được bướu giáp gây mất thẩm mỹ.
3. Phóng xạ iod
I-131 thường được dùng dạng dung dịch hoặc dạng viên nang natri iodua. Các tế bào tuyến giáp bị huỷ hoại hoặc tổn thương giảm sinh sẽ chết dần. Các mạch máu nhỏ trong tuyến bị xơ hoá, dẫn đến giảm tưới máu cho nhu mô tuyến, làm cho tuyến nhỏ lại, giảm chức năng. Phương pháp này có tính chất chọn lọc rất cao, không gây ảnh hưởng tới các mô lân cận
Phương pháp này thường được chỉ định rất rộng rãi. Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán xác định là basedow chưa qua bất kỳ phương pháp điều trị nào hoặc tái phát sau điều trị nội khoa, tái phát sau phẫu thuật; biến chứng sau điều trị nội khoa hoặc bệnh nhân không còn chỉ định phẫu thuật…
Chống chỉ định:
- Phụ nữ có thai và cho con bú
- Bệnh nhân nhiễm độc giáp nặng
- Bệnh nhân có suy gan, suy thận nặng
- Bệnh nhân có độ tập trung iod quá thấp
Điều trị bằng I-131 có nhiều ưu điểm: kinh tế, tương đối đơn giản, hầu như không có tai biến và hiệu quả cao. Một điểm đặc biệt là I-131 có thể làm nhỏ bướu giáp và làm mất các triệu chứng cường giáp để đưa bệnh nhân về tình trạng bình giáp. Người ta gọi đây là phương pháp phẫu thuật không cần dao, có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo. Hiện nay điều trị bằng iod phóng xạ đang có xu hướng ngày càng sử dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị này cũng có thể xảy ra một số biến chứng như: viêm tuyến giáp, viêm tuyến nước bọt, triệu chứng cường giáp tăng lên, liệt dây thanh quản (hiếm gặp), lồi mắt nặng hơn,…
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH
Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh u tuyến giáp, phương pháp điều trị đốt SÓNG CAO TẦN (RFA), đặt lịch khám và điều trị với bác sĩ NGUYỄN KHẮC HOÀNG, Anh/Chị vui lòng liên lạc theo số
Hotline: 0989 81 5757 – 088 888 7997 – 0983 287 671
hoặc để lại thông tin để bác sĩ hỗ trợ nhanh nhất!