Trang chủ » Bướu cổ đơn thuần và Basedow khác nhau thế nào?

Bướu cổ đơn thuần và Basedow khác nhau thế nào?

Có không ít người không phân biệt được basedow và bướu cổ đơn thuần mà hầu hết cho rằng đó là tên gọi của cùng một bệnh. Do đó thường dẫn đến thắc mắc vì khi đi khám bệnh được biết có người thì bác sĩ chẩn đoán là basedow nhưng có người lại là bướu cổ đơn thuần. Hai bệnh này đều có chung biểu hiện là bướu giáp phình to. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở bản chất bệnh, do đó mức độ nguy hiểm và cả phương pháp điều trị cũng khác nhau. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết cách phân biệt hai bệnh này nhé!

1. Bản chất của bệnh

a) Bướu cổ đơn thuần

Bướu cổ đơn thuần là sự phì đại tuyến giáp nhưng không phải do suy tuyến giáp, viêm tuyến giáp hay ung thư và quan trọng nhất là chức năng tuyến giáp vẫn bình thường. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do thiếu hụt Iốt trong cơ thể gây ra nhưng không phải cứ bổ sung đủ Iốt là hết bệnh. Biểu hiện của bệnh là: tuyến giáp to hơn bình thường tùy từng mức độ của bệnh, cảm giác nghẹt vùng cổ, nuốt vướng, bề mặt bướu nhẵn và đều, bướu không đau và di động theo nhịp nuốt lên xuống. Khi bướu to có thể gây chèn ép các cơ quan khác gây khó thở, khàn tiếng,…

b) Basedow

Basedow và bướu cổ đơn thuần có sự khác nhau cơ bản về biểu hiện của cường giáp

Giữa 2 bệnh Basedow và bướu cổ đơn thuần có sự khác nhau cơ bản về biểu hiện của cường giáp – tức là tuyến giáp hoạt động quá mức.

Khác với bướu cổ đơn thuần không làm thay đổi chức năng tuyến giáp, basedow là một bệnh cường giáp do tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến sản xuất hormon tuyến giáp nhiều hơn bình thường, gia tăng nồng độ hormon trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa trong cơ thể. Các biểu hiện cường giáp trong Basedow là: toàn thân mệt mỏi, gầy sút dù ăn nhiều, hồi hộp đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, tinh thần bất ổn, mất ngủ hoặc khó ngủ, run tay, lồi mắt…và kèm theo bướu giáp lan tỏa. Basedow là một bệnh tự miễn, có tính chất gia đình, bệnh thường gặp ở phụ nữ, tuổi từ 20-50.

2. Mức độ nguy hiểm

Về mức độ nguy hiểm của bệnh, basedow nguy hiểm hơn bướu cổ đơn thuần rất nhiều.

Basedow là bệnh gây nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân sẽ tử vong trong tình trạng suy tim, suy kiệt và đặc biệt là trong tình trạng cơn bão giáp – một biến chứng rất nặng của bệnh. Khi bị cơn bão giáp, bệnh nhân sẽ sốt cao 40-41oC, tinh thần hoảng loạn, lo lắng hoặc kích thích dữ dội, tim đập rất nhanh… Tuy nhiên, ngay cả việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn vì cơ chế bệnh sinh vẫn còn đang được nghiên cứu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà khả năng đáp ứng điều trị và hồi phục khác nhau. Mặc dù vậy, các bệnh nhân basedow hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Người bệnh cần kiên trì thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong khi đó, bướu cổ đơn thuần không quá nguy hiểm như basedow. Tuy nhiên nó cũng gây ra nhiều khó khăn cho người mắc bệnh, bướu giáp to có thể gây chèn ép, khó thở, bướu lớn nhanh, bướu xuất huyết trong lòng bướu,… Với bướu giáp đơn thuần thể phình giáp lan tỏa, bệnh nhân chỉ cần điều trị bằng thuốc sẽ cho kết quả rất tốt. Trường hợp bị bướu cổ đơn thuần có nhân, nếu người bệnh điều trị thuốc 6 tháng không hiệu quả mới cần mổ. Tuy vậy, nếu như bướu để lâu thì sẽ xơ hóa không đáp ứng thuốc và sẽ phải can thiệp bằng phương pháp mổ.

Đối với tình trạng mới phát, bướu giáp đơn thuần nhỏ, không có triệu chứng lâm sàng thì hãy an tâm, bạn sẽ chỉ cần theo dõi định kỳ bằng khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp để đánh giá độ lớn. Trong một số trường hợp bướu giáp ổn định trong nhiều năm và có thể tự khỏi. Bệnh nhân không cần quá lo lắng vì bướu cổ đơn thuần không nguy hiểm.

3. Phương pháp điều trị

a) Bướu cổ đơn thuần

Bướu cổ đơn thuần giai đoạn sớm có thể không cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi định kì. Đa số các trường hợp sẽ điều trị bằng thuốc hormon tuyến giáp. Trường hợp bị bướu cổ đơn thuần có nhân, nếu người bệnh điều trị thuốc 6 tháng không hiệu quả mới cần mổ. Tuy vậy, nếu như bướu để lâu thì sẽ xơ hóa không đáp ứng thuốc và sẽ phải can thiệp bằng phương pháp mổ. Ngoài ra, nếu bướu cổ có nhân, có thể điều trị bằng các phương pháp can thiệp ít xâm lấn, không cần phẫu thuật như đốt sóng cao tần RFA, sử dụng laser. Tỉ lệ điều trị thành công rất cao vì bệnh không quá nguy hiểm.

b) Basedow

Hiện nay có 3 biện pháp được áp dụng trong điều trị bệnh bao gồm: sử dụng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, dùng iod phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp. Basedow gây ra nhiều biến chứng cho các cơ quan khác do đó ngoài thuốc kháng giáp trạng tổng hợp cần dùng thêm các thuốc điều trị biến chứng. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp nào, cần có sự giải đáp của bác sĩ chuyên khoa dựa và tùy thuộc vào tình hình bệnh tật, điều kiện xã hội, hoàn cảnh cụ thể của mỗi bệnh nhân.

Điều trị basedow bằng thuốc rất cần sự kiên nhẫn do phải điều trị trong thời gian lâu dài, thường từ 6-18 tháng và thời gian điều trị càng lâu thì tỉ lệ tái phát lại càng thấp.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH

Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh u tuyến giáp, phương pháp điều trị đốt SÓNG CAO TẦN (RFA), đặt lịch khám và điều trị với bác sĩ NGUYỄN KHẮC HOÀNG, Anh/Chị vui lòng liên lạc theo số

Hotline: 0989 81 5757 – 088 888 7997 – 0983 287 671

hoặc để lại thông tin để bác sĩ hỗ trợ nhanh nhất!