Trang chủ » Bệnh basedow – những điều bạn cần biết

Bệnh basedow – những điều bạn cần biết

Basedow là một trong những bệnh cường chức năng tuyến giáp tiên phát thường gặp trên lâm sàng. Basedow còn có rất nhiều tên gọi khác như bệnh Graves, bệnh Parry, bướu giáp độc lan tỏa hay bệnh cường giáp tự miễn,…Căn bệnh này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến mắt, đồng thời nó còn gây hại đến nhiều hệ cơ quan khác như da, tim mạch, tuần hoàn và thần kinh.

1. Bệnh Basedow là gì?

Mệt mỏi, hồi hộp là những triệu chứng đầu tiên của Basedow

Basedow là một bệnh cường giáp do tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến sản xuất hormon tuyến giáp nhiều hơn bình thường, gia tăng nồng độ hormon trong máu, gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa trong cơ thể.
Basedow là một bệnh tự miễn, có tính chất gia đình, bệnh thường gặp ở phụ nữ, tuổi từ 20-50.

2. Nguyên nhân gây bệnh Basedow

Bệnh Basedow xuất hiện do tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến hàm lượng hormon tuyến giáp tăng cao trong máu gây ra những tổn hại về mô và chuyển hóa trong cơ thể. Cho đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng đây là một bệnh tự miễn, tức là cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể chống lại chính cơ thể mình. Trong bệnh Basedow, các kháng thể tự miễn này tấn công phá hủy các mô tuyến giáp. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:

  • Yếu tố gen
  • Thai nghén, nhất là giai đoạn hậu sản
  • Dùng nhiều iod, đặc biệt dân cư sống trong vùng thiếu iod, có thể iod làm khởi phát bệnh Basedow tiềm tàng.
  • Dùng lithium làm thay đổi đáp ứng miễn dịch.
  • Nhiễm trùng và nhiễm virus.
  • Ngừng corticoid đột ngột.

3. Triệu chứng lâm sàng của bệnh Basedow

a) Dấu hiệu cường giáp

  • Toàn thân: mệt mỏi, gầy sút dù ăn nhiều
  • Tim mạch: hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, tăng lên khi xúc động
  • Tiêu hóa: tăng nhu động ruột, ỉa chảy
  • Tăng nhẹ nhiệt độ da, sợ nóng, ra nhiều mồ hôi
  • Thần kinh-cơ: Run rõ ở bàn tay, kèm theo yếu cơ. Bệnh nhân thường mệt mỏi, dễ kích thích, không tập trung tư tưởng, mất ngủ.
  • Rối loạn tâm thần: kích thích, trầm cảm, rối loạn chức năng sinh dục, giảm ham muốn,…

b) Bướu giáp

Bướu giáp lớn, thường lan tỏa, tương đối đều, đồng nhất không có nhân, di động khi nuốt, không đau. Nếu bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận.

c) Biểu hiện tại mắt

Biểu hiện thường gặp nhất là lồi mắt. Ngoài ra, có thể gặp co cơ mi (hở khe mi, mi nhắm không kín, mất đồng tác giữa nhãn cầu và mi mắt), mất đồng vận nhãn cầu-mi trên, phù nề mi mắt, liệt cơ vận nhãn gây nhìn đôi,…

d) Phù niêm trước xương chày

Triệu chứng này biểu hiện qua các tổn thương màu vàng hoặc đỏ cam, da sần sùi, thường đối xứng hai bên, ở vùng cẳng chân hay mu chân, ấn không lõm, không đau

4. Điều trị Basedow như thế nào?

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị basedow. Việc chọn lựa phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào kinh nghiệm của thầy thuốc, điều kiện cơ sở y tế, sự dung nạp và tuân thủ của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Dưới đây là một số phương pháp:

a. Điều trị nội khoa

Phương pháp này được chỉ định dùng đối với các trường hợp ở giai đoạn đầu, lúc này bệnh còn khá nhẹ và vừa, vùng bướu cổ của người mắc không quá lớn và không có nhân, lan tỏa. Với những trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân đơn thuốc kháng giáp tổng hợp và điều trị trong một khoảng thời gian nhất định (18-24 tháng) dưới sự theo dõi và tư vấn của bác sĩ. Phương pháp dùng thuốc điều trị này có thể chữa bệnh khỏi hoàn toàn cho khoảng 70% bệnh nhân nhưng khả năng tái phát bệnh cũng cao, vào khoảng 30%.

Lưu ý: Thuốc kháng giáp tổng hợp có tác dụng không mong muốn là giảm số lượng bạch cầu hạt. Do đó, trong quá trình điều trị thuốc kháng giáp tổng hợp cần thường xuyên kiểm tra số lượng bạch cầu. Nếu phát hiện số lượng bạch cầu hạt dưới 1200 mm3 cần phải theo dõi sát, có thể phải ngưng thuốc kháng giáp hoặc đổi sang thuốc khác.

b. Điều trị bằng phóng xạ Iod

Phương pháp này được thực hiện dựa trên nguyên tắc tuyến giáp hấp thu Iod. Ưu điểm của cách này là không gây bất kì tổn thương nào cho các vùng xung quanh như: khí quản, tuyến cận giáp trạng và dây thần kinh quặt ngược. Phương pháp này được chỉ định cho những người ở độ tuổi ngoài 30, bướu loại nhu mô to và xuất hiện bệnh nhân bị lồi mắt. Những người mắc bệnh tim mạch, tâm thần thì không được phép điều trị bằng phương pháp này.
Chống chỉ định điều trị I-131 cho phụ nữ có thai do có thể gây suy giáp trẻ sơ sinh.

c. Điều trị ngoại khoa

Phương pháp ngoại khoa chỉ thực hiện khi quá trình điều trị kháng giáp tổng hợp sau 12 tháng mà bệnh chưa có chuyển biến tích cực. Tuyến giáp trong giai đoạn này có thể phình to và xuất hiện nhân, bệnh tái đi tái lại nhiều lần sau khi tiến hành biện pháp nội khoa.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN VÀ ĐẶT LỊCH

Để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh u tuyến giáp, phương pháp điều trị đốt SÓNG CAO TẦN (RFA), đặt lịch khám và điều trị với bác sĩ NGUYỄN KHẮC HOÀNG, Anh/Chị vui lòng liên lạc theo số

Hotline: 0989 81 5757 – 088 888 7997 – 0983 287 671

hoặc để lại thông tin để bác sĩ hỗ trợ nhanh nhất!